Tà Đùng mùa hái đót, lãng mạn như một bản tình ca 🎶

Cây đót (còn gọi cây chít) là loại cây cỏ dại mọc đại trà trên các triền núi, lưng đồi. Cùng với cây lau cây lách, cây đót bốn mùa phủ xanh mang lại sức sống cho rừng núi hoang vu. Đặc biệt, đây là loại cây mà từ nhánh bông, chiếc lá và thân cây đều giúp ích cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi, nhất là tại vùng núi quanh khu vực Hồ Tà Đùng nổi tiếng, nơi được mệnh danh là Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên

Cây đót mọc ven đồi núi quanh hồ Tà Đùng

Cây đót lại mọc trên các triền đồi, các nương rẫy cũ của đồng bào sau khi canh tác nhiều năm đã bị bạc màu. Loài cây này sinh trưởng nhanh, che phủ, lấy lại màu xanh sau mùa rẫy bỏ hoang. Cây cối, hoa lá bắt đầu phục hồi, sinh sôi trở lại. Sau mùa mưa, khi những cánh hoa tơ rách nhuộm tím núi rừng, thì cây đót bắt đầu lú nhú ra hoa.

Đến mùa khô, đông tàn, trời đất sắp chuyển sang xuân, hoa đót vẫy cờ rực vàng khắp núi đồi. Lúc ấy, đồng bào miền núi không còn lo chuyện nương rẫy, họ lên đồi ra rừng thu hái bông đót. Bông đót là nguyên liệu chính để làm chổi. Người ta hái những bông tốt, thân cây dài, cứng cáp rồi bó lại thành từng bó mang về phơi khô. Hầu như ai cũng có thể thu hái bông đót, kể cả trẻ em. Ngoài giờ đến lớp, trẻ em vùng cao đều hào hứng tham gia hái bông đót, tự mình có thể kiếm một món tiền đáng kể phụ giúp với gia đình, nhất là mua sắm trong dịp tết.

Hình ảnh cây đót trổ bông rực rỡ chờ thu hoạch những ngày tháng chạp cuối năm 2020 tại Tà Đùng

Mỗi ngày một người có thể hái được vài gùi bông, ít nhất cũng được một gùi. Chỉ cần phơi phóng vài nắng, cho vào từng bó đặt trước sân hay ven đường là có người đến thu mua. Một mùa đót mỗi nhà thu năm ba triệu đồng. Đó là nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào miền núi. Từ cây đót cho cư dân miền núi một nguồn sống, giảm bớt khó khăn trong việc trang trải, chi tiêu. Loại nguyên liệu từ bông đót không lo bị ế hàng, có bao nhiêu cũng được tiêu thụ hết. Các làng nghề làm chổi dưới xuôi có nguồn nguyên liệu dồi dào.

Vào rừng, lên núi hái bông đốt về bện chổi ở xã Đắk Som (Tà Đùng)

Cây đót mọc thành từng bụi, vừa có cây già nhưng cũng có cây non mới nhú. Cây non lá xanh dài như mũi kiếm. Đồng bào miền núi chọn những chiếc lá to hái về để gói bánh. Người Mạ tại Tà Đùng thường làm bánh lá trong các dịp lễ hội như lễ ăn cơm mới, lễ cưới, khánh thành gươl hoặc làm bánh để ăn chơi, đãi khách, tặng bà con… Tùy theo vùng mà có tên gọi khác nhau: c’cot, cuốt, acuốt.

Theo hình dáng, bánh giống như chiếc sừng trâu nên gọi là bánh sừng trâu. Cách gói bánh giống như bánh ú của người Kinh nhưng không có nhưn đậu xanh. Khi mới nấu, bánh cuốt thơm, dẻo mềm, lớp bánh ngoài cùng đượm màu xanh của lá đót. Sau vài ngày bánh trở nên khô cứng nhưng vẫn giữ mùi thơm. Đồng bào Mạ không bỏ đi mà nướng bằng bếp than, bánh trở nên dẻo và thơm hơn. Bánh cuốt là chiếc bánh dân dã nhưng chứa đầy hương vị núi rừng.

Bó bông đót lại thanh từ bó để xử lý trước khi bện thành chổi

Ngoài việc hái bông làm chổi, hái lá làm bánh, đồng bào miền núi còn bắt sâu đót về làm thuốc và chế biến thành thực phẩm. Sâu đót vốn là ấu trùng của loài bướm Brihaspa astrostigmella sống trong thân cây đót. Vào mùa đông, sâu cắn đục thân cây làm cây ngừng sinh trưởng. Để nhận biết những cây nào có sâu thì người hái sẽ dựa trên dấu hiệu cây đó có ra được hoa hay không. Nếu cây nào không ra được hoa thì cây bị sâu, người thu hoạch sẽ lấy những cây đó.

Đồng bào thu hái thành từng bó nhỏ cho vào gùi mang về nhà. Để lấy được sâu trong cây đót thì phải dùng dao chẻ đôi ngọn cây và moi sâu ra. Sâu dài khoảng 3 – 4cm, màu vàng ngà. Sâu đót được cho vào chậu nước lọc để sâu nhả các chất thải trong cơ thể ra ngoài. Không riêng vùng núi Trường Sơn mà nhiều nơi thuộc vùng cao của nước ta cũng có loài cây hoang dại này. Sâu đót (sâu chít) cũng được đồng bào các dân tộc khai thác từ khá lâu để làm thức ăn và dầm rượu.

Chổi đót, một sản phẩm của bà con đồng bào bện bằng tay, giá thành từ 50-100k/cái tuỳ kiểu dáng

Các nhà khoa học ví sâu đót là đông trùng hạ thảo của Việt Nam. Ngoài tác dụng bổ thận tráng dương cho nam giới, tăng cường sức khỏe bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể, nhất là trẻ em còi cọc và người lớn tuổi, sâu đót còn có nhiều tác dung khác giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể…

Cây đót trở thành một phần của văn hóa truyền thống, gắn với tập quán ăn ở, mưu sinh của đồng bào miền núi. Cây đót là “lộc rừng”, giúp cho người miền núi còn nhiều nghèo khó có thêm nguồn sống và tích tụ những giá trị văn hóa giàu chất nhân văn của từng tộc người.

Scr: Tà Đùng Lake

About Tà Đùng Lake

Bài Được Đề Xuất

Tà Đùng Color House – Homestay cao cấp tại Tà Đùng Đắk Nông với sắc màu nổi bật và cực kỳ ấn tượng

🌁 Toạ lạc tại vị trí tâm điểm và cao nhất của toàn vùng du …

Trả lời